HỎI - ĐÁP LUẬT CĂN CƯỚC

HỎI - ĐÁP LUẬT CĂN CƯỚC

Số kí hiệu 01
Ngày ban hành 16/04/2024
Thể loại Văn bản chỉ đạo điều hành khác
Lĩnh vực Chỉ đạo điều hành
Cơ quan ban hành UBND xã Thanh Lĩnh
Người ký Nguyễn Văn Hiền

Nội dung

1. Sự cần thiết phải ban hành Luật Căn cước trong thời điểm hiện nay?
Luật Căn cước công dân năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016, sau hơn 07 năm triển khai thực hiện đã góp phần không nhỏ trong hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội, đem lại hiệu quả và tiện ích cho Nhân dân cũng như cơ quan hành chính nhà nước. Đến nay đã cấp được hơn 80 triệu thẻ Căn cước công dân; Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 13 Bộ, ngành và 63 địa phương, qua đó, đã bước đầu góp phần giảm nhiều thủ tục hành chính, thời gian đi lại và một số giấy tờ cá nhân của người dân.
Trước sự phát triển, đổi mới, sáng tạo tiến tới chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, sản xuất, kinh doanh, giao dịch dân sự…thì những quy định của Luật Căn cước công dân hiện hành không đủ và không còn phù hợp để điều chỉnh các quan hệ xã hội có liên quan, cần thiết được sửa đổi để tiếp tục thể chế quan điểm của Đảng và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành như: thiếu các quy định về việc khai thác, sử dụng thông tin trên thẻ căn cước công dân; thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân chưa đầy đủ; chưa có quy định về cấp số định danh cá nhân cho người gốc Việt Nam đang sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.
Do vậy, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ thì cần thiết phải ban hành Luật Căn cước năm 2023 để tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta.
2. Luật Căn cước ra đời sẽ giải quyết được những tồn tại, vướng mắc gì của Luật Căn cước công dân cũ?
Luật Căn cước ra đời sẽ giải quyết được những tồn tại, vướng mắc của Luật Căn cước công dân cũ như sau:
(1) Luật Căn cước quy định về việc khai thác, sử dụng thông tin trên thẻ căn cước công dân (bao gồm thông tin về căn cước công dân và các thông tin trên giấy tờ khác của công dân được tích hợp vào thẻ căn cước công dân qua chíp điện tử và mã QR code), đẩy mạnh việc phát triển các ứng dụng, dịch vụ tiện ích của thẻ căn cước vào giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính một cách đồng bộ, thống nhất.
(2) Theo quy định tại Luật Căn cước công dân năm 2014 thì thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân chỉ bao gồm một số nhóm thông tin; tuy nhiên, để triển khai thực hiện Đề án 06, việc mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân là rất cần thiết; trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ Căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử, kết nối, chia sẻ, chứng thực dữ liệu công dân, phân tích, thiết lập bản đồ số dân cư. Do vậy, Luật Căn cước ra đời góp phần đẩy mạnh việc thực hiện Đề án số 06, thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
(3) Luật Căn cước ra đời khắc phục một số vướng mắc còn tồn tại khác như: Luật Căn cước công dân không quy định về cấp số định danh cá nhân cho trường hợp người gốc Việt Nam đang sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Do nhiều yếu tố liên quan đến lịch sử, chiến tranh nên thực tế hiện nay còn rất nhiều trường hợp nêu trên cần phải có chính sách, quy định pháp luật để giải quyết, quản lý chặt chẽ những người này; bảo đảm cơ chế để họ có thể tham gia vào các giao dịch dân sự, dịch vụ công, nhất là các dịch vụ thiết yếu bảo đảm cuộc sống. Luật Căn cước công dân chưa có quy định về việc hủy, xác lập lại số định danh cá nhân đối với trường hợp công dân có quyết định thôi quốc tịch, công dân được nhập trở lại quốc tịch Việt Nam... Luật Căn cước công dân chưa có quy định về cấp lại thẻ căn cước công dân theo hồ sơ đề nghị cấp thẻ gần nhất trên hệ thống cấp Căn cước công dân nên có trường hợp công dân vừa được cấp thẻ căn cước công dân nhưng bị thất lạc, hư hỏng... đều phải trực tiếp đến cơ quan Công an để thực hiện cấp lại thẻ căn cước công dân khác.
(4) Luật Căn cước công dân là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, quy định việc chuyển đổi từ cấp, sử dụng chứng minh nhân dân sang cấp, sử dụng bằng thẻ căn cước công dân; tuy nhiên, nhiều cơ quan, tổ chức đã yêu cầu công dân bắt buộc phải thực hiện các thủ tục để cập nhật, điều chỉnh lại thông tin trên giấy tờ, tài liệu đã cấp trước đây cho công dân (có thông tin về chứng minh nhân dân) bằng thông tin về thẻ căn cước công dân (như trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng...) gây khó khăn, phiền hà cho công dân. Luật Căn cước đã bổ sung quy định chuyển tiếp để bảo đảm việc sử dụng, thay thế từ chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân được thuận lợi hơn; hạn chế phát sinh các thủ tục khác đối với công dân.
Các quy định của Luật Căn cước công dân về việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân còn chưa được đầy đủ, bao quát. Luật Căn cước công dân mới chỉ tập trung vào việc quản lý công dân qua Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua thẻ Căn cước công dân mà chưa có quy định về tài khoản định danh điện tử đối với tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử. Quy định pháp luật về các vấn đề trên chủ yếu được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật, văn bản dưới luật; trong khi đó, đây là vấn đề lớn, tác động rộng rãi đến nhiều chủ thể khác nhau bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp được giao thực hiện một số dịch vụ công và tổ chức, cá nhân khác nên cần được luật hóa để bảo đảm đúng tinh thần của Hiến pháp là các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân cần phải ban hành dưới hình thức luật (khoản 2 Điều 14 Hiến pháp), bảo đảm, bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân. Luật Căn cước ra đời đã giải quyết được vấn đề này.
3. Luật Căn cước được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày, tháng, năm nào? Luật Căn cước có hiệu lực kể từ ngày, tháng, năm nào, có bao nhiêu chương, bao nhiêu điều?
Luật Căn cước được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2023. Có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024. Luật Căn cước có 07 chương và 46 Điều.
4. Luật Căn cước được thông qua sẽ có những tác động như thế nào?
Luật Căn cước được thông qua có những tác động tích cực đến cơ quan, tổ chức, cá nhân như sau:
(1) Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu (như lĩnh vực cư trú, hộ tịch, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, đất đai, lao động...) để phục vụ người dân, doanh nghiệp trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
(2) Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội: Nghiên cứu, triển khai việc ứng dụng các tính năng của chíp điện tử trên thẻ căn cước đối với các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và một số lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội khác. Tích hợp, phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh điện tử với các ứng dụng cốt lõi như: Ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, điện, nước… lên ứng dụng VNeID, mã QR của thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử. Phát triển, hoàn thiện và triển khai hiệu quả ứng dụng di động công dân số từ VNeID trên cơ sở mở rộng tích hợp các thông tin, dịch vụ như y tế, bảo hiểm, giấy phép lái xe, ngân hàng, thanh toán điện tử, ứng cứu khẩn cấp, phản ánh hiện trường, tố giác tội phạm…
(3) Phục vụ công dân số: Hiện nay, người dân có rất nhiều loại giấy tờ khác nhau, như căn cước, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, các loại bằng cấp, chứng chỉ… Nhằm tạo điều kiện cho công dân, cần phải xác thực 100% các thông tin thiết yếu, quan trọng trên ứng dụng VNeID hoặc qua thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử như: Thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe… từng bước thay thế các giấy tờ của người dân trong một số các giao dịch theo quy định pháp luật. Cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thương mại phục vụ tiện ích số của công dân trên ứng dụng VNeID như: Dịch vụ cư trú, căn cước, thương mại điện tử, thanh toán điện tử và các dịch vụ khác.
(4) Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư: Triển khai hiệu quả việc kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm giải quyết các thủ tục phục vụ người dân chính xác và thuận lợi.
(5) Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp: Trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các thông tin đã được tích hợp, sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tổng hợp, phân tích, dự báo các thông tin để phục vụ việc điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoạch định chính sách kinh tế, xã hội.
5. Tại sao lại đổi tên từ Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước?
Việc sử dụng tên “Luật Căn cước” sẽ bảo đảm thể hiện đầy đủ chính sách, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung Luật. Đồng thời, thể hiện đúng nội hàm của công tác quản lý căn cước là nhằm mục đích định danh, xác định rõ danh tính của từng con người cụ thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý căn cước ở nước ta trong giai đoạn hiện nay là phải quản lý đối với toàn bộ xã hội, mọi người dân sinh sống tại Việt Nam; bảo đảm các quyền của con người, quyền công dân theo quy định của Luật.
Việc lược bỏ cụm từ “công dân” trong tên Luật không tác động đến yếu tố chủ quyền quốc gia, vấn đề quốc tịch cũng như địa vị pháp lý của công dân. Nội dung Luật Căn cước cũng đã quy định phân biệt việc cấp căn cước cho công dân Việt Nam và cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người chưa có đầy đủ các quyền như công dân Việt Nam.
Nếu để tên Luật là Luật Căn cước công dân sẽ không thể hiện được đầy đủ chính sách sửa đổi, bổ sung tại  Luật này, tên Luật chưa bảo đảm phù hợp, bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung  Luật; kể cả việc chỉnh lý kỹ thuật như một số ý kiến tham gia theo hướng quy định việc quản lý đối với người gốc Việt Nam ở phần quy định chuyển tiếp của  Luật cũng chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (nội dung  văn bản cần phù hợp với mục đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh của văn bản). Ngoài ra, quy định tên Luật là Luật Căn cước công dân cũng dẫn đến cách hiểu chỉ thể hiện việc quản lý căn cước đối với công dân Việt Nam, làm thu hẹp yêu cầu trong quản lý căn cước ở nước ta, không bảo đảm được yêu cầu quản lý căn cước đối với toàn bộ người dân sinh sống tại Việt Nam để bảo đảm các quyền con người, quyền công dân theo quy định Luật.
6. Luật Căn cước có những điểm mới nào đáng chú ý?
Luật Căn cước có những điểm mới đáng chú ý sau đây:
(1) Chính thức đổi tên Căn cước công dân sang thẻ Căn cước;
(2) Khai tử Chứng minh nhân dân từ ngày 01/01/2025;
(3) Bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin trong thẻ Căn cước;
(4) Bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước;
(5) Bổ sung giấy tờ: Giấy chứng nhận căn cước cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam;
(6) Cấp thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi từ 01/7/2024;
(7) Từ ngày 01/7/2024, công dân sẽ có Căn cước điện tử;
(8) Bỏ quê quán, vân tay, đặc điểm nhân dạng trên thẻ Căn cước;
(9) Thủ tục cấp thẻ Căn cước: Phải lấy sinh trắc học mống mắt đối với các trường hợp công dân trên 06 tuổi;
(10) Hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
7. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật Căn cước năm 2023 có điểm gì khác so với Luật Căn cước công dân năm 2014?
Luật Căn cước năm 2023 quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Luật Căn cước năm 2023 áp dụng đối với công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Như vậy, Luật Căn cước năm 2023 có bổ sung phạm vi điều chỉnh so với Luật Căn cước công dân năm 2014 về nội dung liên quan đến căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước. Về đối tượng áp dụng có bổ sung thêm đối tượng là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.
8. Luật Căn cước quy định như thế nào về quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước?
* Công dân Việt Nam có quyền sau đây:
- Được bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước theo quy định của pháp luật;
- Yêu cầu cơ quan quản lý căn cước cập nhật, điều chỉnh thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, thẻ căn cước, căn cước điện tử theo quy định của pháp luật về căn cước;
- Được xác lập số định danh cá nhân của công dân Việt Nam; được cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo quy định của Luật này; được xác nhận thông tin về căn cước, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
- Sử dụng thẻ căn cước, căn cước điện tử trong giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp;
- Khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước.
* Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch có quyền sau đây:
- Được bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước theo quy định của pháp luật;
- Yêu cầu cơ quan quản lý căn cước cập nhật, điều chỉnh thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật về căn cước;
- Được xác lập số định danh cá nhân của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; được cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước theo quy định của Luật này;
- Sử dụng giấy chứng nhận căn cước trong giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp;
- Khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước.
9. Luật Căn cước quy định như thế nào về nghĩa vụ của công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước?
Công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch có nghĩa vụ sau đây:
- Làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật về căn cước; bảo quản thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước đã được cấp;
- Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu của mình để cập nhật, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước, thẻ căn cước, căn cước điện tử theo quy định của pháp luật về căn cước;
- Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu của mình đã thay đổi so với thông tin trên thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước khi thực hiện giao dịch có liên quan và chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác của thông tin, tài liệu;
- Xuất trình thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước hoặc cung cấp số định danh cá nhân khi người có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật;
- Nộp thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cấp đổi, bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước theo quy định.
10. Luật Căn cước quy định như thế nào về trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước?
Cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm:
- Thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước đầy đủ, chính xác, kịp thời.
- Niêm yết công khai và hướng dẫn các thủ tục hành chính liên quan đến căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.
- Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu về người dân khi được cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu theo quy định của pháp luật.
- Cấp, quản lý căn cước điện tử; cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước theo quy định của Luật này.
- Quản lý về định danh và xác thực điện tử.
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về căn cước theo quy định của pháp luật.
11. Luật Căn cước quy định như thế nào về các hành vi bị nghiêm cấm?
Luật Căn cước quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:
- Cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật.
- Giữ thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật.
- Nhũng nhiễu, gây phiền hà, phân biệt đối xử khi giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước.
- Làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về căn cước, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, cung cấp không chính xác, cung cấp trái quy định của pháp luật các thông tin, tài liệu về căn cước hoặc thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
- Không thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước theo quy định.
- Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi khác gây cản trở, rối loạn hoạt động của cơ sở hạ tầng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.
- Làm giả, sửa chữa, cố ý làm sai lệch nội dung thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước; chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước của người khác; thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; sử dụng thẻ căn cước giả, căn cước điện tử giả, giấy chứng nhận căn cước giả.
- Truy nhập, làm thay đổi, xóa, hủy, phát tán hoặc thực hiện các hoạt động khác liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử trái quy định của pháp luật.
- Khai thác, chia sẻ, mua, bán, trao đổi, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.
12. Luật Căn cước quy định thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm những thông tin gì? So với Luật Căn cước công dân năm 2014 thì có những thay đổi gì?
Điều 9 Luật Căn cước quy định thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm:
(1) Họ, chữ đệm và tên khai sinh.
(2) Tên gọi khác.
(3) Số định danh cá nhân.
(4) Ngày, tháng, năm sinh.
(5) Giới tính.
(6) Nơi sinh.
(7) Nơi đăng ký khai sinh.
(8) Quê quán.
(9) Dân tộc.
(10) Tôn giáo.
(11) Quốc tịch.
(12) Nhóm máu.
(13) Số chứng minh nhân dân 09 số.
(14) Ngày, tháng, năm cấp, nơi cấp, thời hạn sử dụng của thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân 12 số đã được cấp.
(15) Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân, số chứng minh nhân dân 09 số, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng, con, người đại diện hợp pháp, người được đại diện.
(16) Nơi thường trú.
(17) Nơi tạm trú.
(18) Nơi ở hiện tại.
(19) Tình trạng khai báo tạm vắng.
(20) Số hồ sơ cư trú.
(21) Tình trạng hôn nhân.
(22) Mối quan hệ với chủ hộ.
(23) Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân, số chứng minh nhân dân 09 số của chủ hộ và các thành viên hộ gia đình.
(24) Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.
(25) Số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử.
(26) Thông tin khác theo quy định của Chính phủ.
So với Luật Căn cước công dân năm 2014, Luật Căn cước năm 2023 bổ sung các trường thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: Tên gọi khác; Số định danh cá nhân; Nơi sinh; Số chứng minh nhân dân 09 số; Ngày, tháng, năm cấp, nơi cấp, thời hạn sử dụng của thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân 12 số đã được cấp;  Nơi tạm trú; Tình trạng khai báo tạm vắng; Số hồ sơ cư trú; Mối quan hệ với chủ hộ; Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân 09 số các thành viên hộ gia đình tại nơi cư trú; Số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử; Thông tin khác theo quy định của Chính phủ.
13. Luật Căn cước quy định như thế nào về thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư?
- Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thu thập, cập nhật, điều chỉnh từ tàng thư do lực lượng Công an nhân dân quản lý và Cơ sở dữ liệu căn cước, Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, cơ sở dữ liệu khác theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp thông tin về Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi đăng ký khai sinh; Quê quán; Dân tộc; Quốc tịch chưa có hoặc chưa đầy đủ thì cơ quan quản lý căn cước yêu cầu người dân cung cấp.
- Cơ quan quản lý căn cước phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan kiểm tra thông tin khi thu thập, cập nhật, điều chỉnh để bảo đảm tính chính xác, thống nhất.
14. Luật Căn cước quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc cung cấp, thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin, tài liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như thế nào?
* Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm sau đây:
- Tuân thủ quy trình cung cấp, thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin, tài liệu;
- Bảo đảm việc cung cấp, thu thập thông tin, tài liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời;
- Thông báo kịp thời thông tin của người dân khi có sự thay đổi hoặc chưa chính xác cho cơ quan quản lý căn cước.

 File đính kèm

Các văn bản cùng thể loại "Văn bản chỉ đạo điều hành khác"

Số kí hiệu
Ngày ban hành
Trích yếu
Số kí hiệu:177/BC-UBND
Ngày ban hành:12/04/2023
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây