Sáng ngày 29/7/2023, Đảng bộ xã Thanh Lĩnh đã long trọng tổ chức Lễ công bố và phát hành sách lịch sử Đảng bộ xã Thanh Lĩnh giai đoạn (1954-2020), nhằm ôn lại truyền thống của Đảng bộ và Nhân dân xã Thanh Lĩnh, đồng thời quảng bá công trình sách lịch sử Đảng bộ xã Thanh Lĩnh giai đoạn (1954-2020) đến đông đảo cán bộ và Nhân dân.
Toàn cảnh bổi Lễ
Xã Thanh Lĩnh có diện tích 777,18 ha, có 6 thôn, dân số 6138 người, tổng số hộ 1690 hộ. Đảng bộ xã có 12 chi bộ trực thuộc với tổng số 411 đảng viên. Là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hoá từ lâu đời, xã Thanh Lĩnh trải qua nhiều tên gọi khác nhau. Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, gọi là xã Thanh La, thuộc tổng Võ Liệt thuộc huyện Thanh Giang. Trong tổng số 22 xã, thôn của tổng Võ Liệt, Thanh La là 1 trong 3 xã thuộc tổng (xã Thanh La, xã Võ Liệt, xã Minh Quả), còn 3 xã khác (xã Hoàng Xá, xã Trung Lâm và xã Thái Nhã) gồm các thôn hợp lại.
Đ/c: Nguyễn Văn Quế - Phó bí thư thường trực Huyện uỷ Thanh Chương , người con quê hương về tham dự và phát biểu
Thanh La là vùng đất nằm giữa 2 con sông Lam và sông Trai; phía tây nối với Tiên Hội (nay là xã Thanh Tiên), phân cách bởi các quả đồi; phía bắc giáp sông Lam, bên kia sông là Đại Định, Dinh Chu, Vịnh Giấy của tổng Đại Đồng, huyện Nam Đường (nay là xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương); phía đông giáp sông Lam, bên kia sông là truông Dùng (nay là thị trấn Thanh Chương) và xã Di Luân (nay là xã Đồng Văn); phía nam giáp sông Trai, bên kia sông Trai là thôn Thượng Thọ (nay là xã Thanh Thịnh) và phía tây nam qua sông Trai giáp với thôn Hoà Quân (xã Thanh Hương hiện nay).
Đ/c: Nguyễn Văn Hồng, Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch HĐND và Đ/c: Nguyễn Trường Tam - Phó bí thư - Chủ tịch UBND xã trao tặng sách cho Đại biểu tại hội nghị.
Thanh La là vùng đất có nhiều đồi núi thấp, đứng độc lập (rú Chùa, rú Chuối, rú Mồ, rú Tổi, rú Nát) và nhiều gò đất nổi lên giữa đồng ruộng (cồn Sanh, cồn Trửa, cồn Côốc, cồn Mọi), xen giữa các đồi là ruộng sâu, bậc thang (trọt, hói). Thanh La có cánh đồng rộng và sâu đó là Bàu. Do địa hình và dân số đông nên Thanh La từ xưa đã được thành lập cấp xã. Có 3 vùng đông dân nên Thanh La được lập 3 làng cách đây hàng trăm năm:Làng Bắc, Làng Nam, Làng Đông. Mỗi làng đều có đình làng để hội họp: Đình làng Bắc ở chân rú Chùa, Đình làng Nam ở đỉnh rú Mồ và Đình làng Đông ở gần bến đò Dùng.
Nằm giữa 2 con sông nên ruộng đất của Thanh La rất màu mỡ, phù sa phủ dày hàng chục mét. Cây ăn quả lâu năm, phong phú như: mít, bưởi, cam, nhạn, dừa... Đồng ruộng đa dạng, vùng sâu là đồng lúa phì nhiêu, vùng cạn là đồng màu tốt tươi. Đồng ruộng Thanh La quanh năm không nghỉ, mùa nào thức nấy. Tuy không nhiều để trở thành hàng hóa nhưng đủ để cung cấp cho người dân nơi đây. Thanh La không rộng nhưng cạnh sông, bìa rừng núi nên người dân ở đây đa ngành nghề. Ngày mùa làm việc trên đồng áng, lúc nông nhàn, “ngày ba tháng tám” vào rừng khai thác gỗ, tre, nứa vừa để dùng, vừa để chế biến thủ công phục vụ dân làng lân cận.
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, vào đầu năm 1946 xã Thanh La sát nhập với làng Hoa Quân, làng Đông Hoà, Đồng Du, Thanh Khiết thành xã Đồng Thanh. Ngày 20/4/1954, Uỷ ban Hành chính tỉnh Nghệ An chia xã Đồng Thanh thành 2 xã là Thanh Lĩnh và Thanh Hương. Tê gọi xã Thanh Lĩnh bắt đầu có từ đây.
Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương đảng khoá XII; Công văn số 4776-CV/TU ngày 9/10/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An về tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng biên soạn lịch sử Đảng; Kế hoạch số 160-KH/TU ngày 14/11/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An về công tác nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng và các hướng dẫn của Ban Thường vụ Huyện uỷ Thanh Chương về tăng cường, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam; thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Thanh Lĩnh, nhiệm kỳ 2020 – 2025 về thực hiện công tác biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ xã Thanh Lĩnh giai đoạn (1954-2020), Đảng ủy xã Thanh Lĩnh đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, Ban sưu tầm cuốn lịch sử Đảng bộ xã. Cùng với đó là sự tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm của các đồng chí lão thành, nguyên là lãnh đạo xã qua các thời kỳ đã cung cấp những thông tin, tư liệu quý giá, sự đồng tình ủng hộ của cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân trên địa bàn xã Thanh Lĩnh. Đến nay, cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ xã Thanh Lĩnh, giai đoạn 1945 - 2020” chính thức được phát hành.
Văn nghệ chào mừng tại Hội nghị
Cuốn sách có 229 trang, 50 trang phụ bản ảnh. Nội dung chính của cuốn sách được kết cấu thành 06 chương tái hiện bề dày truyền thống văn hóa - lịch sử, đồng thời phản ánh quá trình đấu tranh cách mạng, chiến đấu bảo vệ quê hương của Đảng bộ và nhân dân Thanh Lĩnh trong suốt 66 năm (1954-2020) dưới sự lãnh đạo của Đảng. Việc hoàn thành cuốn lịch sử Đảng bộ xã là sự kiện quan trọng, thể hiện trách nhiệm, nhiệt tình cống hiến, thái độ trân trọng lịch sử, tri ân với những cống hiến lớn lao của thế hệ cha ông đi trước. Đây là cuốn tài liệu quý, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, phấn dấu xây dựng xã Thanh Lĩnh ngày càng phát triển.
Song song với buổi lễ công bố, ban hành cuốn Lịch sử Đảng bộ. Đảng bộ tổ chức: Lễ trao tặng Huy hiệu đang đợt 19/5/2023, Hội nghị sở kết 2,5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 – 2025 và sơ kết công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023./.